Mục lục
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên vào cuối đông đầu xuân, độ ẩm không khí tăng cao thường gây ra hiện tượng nồm ẩm. Vậy nồm là gì, nguyên nhân và cách khắc phục nồm ra sao, các bạn hãy theo dõi qua bài viết dưới đây nhé!
Nồm là gì?
Nồm là hiện tượng xảy ra do thời tiết. Khi độ ẩm không khí vượt quá 90% kết hợp với gió Đông - Nam thổi lại khiến cho hơi nước ngưng tụ, đọng trên tường và các đồ vật trong nhà tạo thành hiện tượng nồm. Nồm thường xuất hiện ở phía đông Bắc Bộ, dịp giao mùa từ cuối năm này sang đầu năm sau.
Tuy nhiên, khác với Bắc Bộ, nồm ở miền Trung lại không khí dễ chịu, mát mẻ do hai vùng có đặc điểm thời tiết khí hậu đặc trưng riêng. Bài viết này sẽ tập trung đề cập tới hiện tượng nồm ẩm ở miền Bắc Việt Nam.
Hiện tượng nồm có thể xuất hiện vài ngày, vài tuần thậm chí kéo dài cả tháng gây khó chịu cho con người. Như đã nói, nồm ẩm thường xuất hiện vào tháng 2 đến tháng 4 nhưng cao điểm là vào tháng 3, độ dài ngày sẽ phụ thuộc vào các đợt gió mùa Đông Bắc.
Những ảnh hưởng mà nồm gây ra
Ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt
Khi trời nồm, cuộc sống sinh hoạt của con người bị ảnh hưởng rất nhiều. Nền nhà, tường hay bề mặt của các đồ vật cứng đều bị đọng nước, gây khó chịu khi chạm vào. Quần áo trong những ngày trời nồm thì lâu khô, khi phơi xong còn có thể để lại mùi hôi gây khó chịu cho người mặc.
Ảnh hưởng đến đồ dùng
Các đồ dùng, thiết bị điện tử nếu không được bảo quản cẩn thận sẽ rất dễ hỏng khi thời tiết nồm do độ ẩm cao, dễ bị chập điện, trục trặc. Đồ nội thất gỗ cũng có nguy cơ bị nấm mốc, khi bị ẩm trong thời gian dài còn có thể bị rỗng, mục, gây mất thẩm mỹ trong không gian nhà ở.
Ảnh hưởng đến sức khỏe con người
Không dừng lại ở đó, mùa nồm còn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Một số bệnh thường gặp như: đau đầu, hen suyễn, mệt mỏi, tim mạch, tiêu hóa, các bệnh về khớp,... Một phần do mùa nồm là điều kiện thuận lợi để nấm, vi khuẩn phát triển mạnh ở đồ ăn; con người khi ăn phải rất dễ bị đau bụng, đi ngoài. Vì vậy cần chăm lo kỹ càng cho sức khỏe của mình mỗi khi mùa nồm đến.
Đặc biệt, người già và trẻ em cần chú ý đi lại trên nền gạch khi trời nồm vì khi đó nền nhà rất trơn, dễ gây ngã, trượt gây chấn thương.
Nguyên nhân và ứng phó với hiện tượng nồm
Nguyên nhân
Nồm xuất hiện do một số nguyên nhân sau:
- Trước khi mùa nồm đến, thời tiết miền Bắc đang rét đậm rét hại. Dần dần, không khí lạnh suy yếu và chuyển hướng ra biển làm cho tính chất không khí thay đổi, khiến cho độ ẩm không khí tăng lên gây ra nồm.
- Vì đang trong thời tiết lạnh kéo dài, các đồ vật trong nhà đang hấp thụ lượng nhiệt thấp. Gió nồm thổi đến khiến cho bề mặt đồ vật không dung hòa với nhiệt độ trong không khí làm cho nước đọng lại trên bề mặt rất nhiều.
- Khi ngoài trời ấm lên nhưng đồ vật trong nhà còn lạnh gặp không khí ấm di chuyển từ bên ngoài vào càng làm cho mặt đồ vật đọng nước.
Biện pháp ứng phó với hiện tượng nồm
Có thể thấy, nồm gây ra rất nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe con người. Vậy làm thế nào để ứng phó với hiện tượng nồm và giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng mà nó đem lại. Các bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:
Đóng kín các cửa khi trời nồm
Khi nền nhà ẩm ướt, rất nhiều người có suy nghĩ mở cửa ra để gió thổi vào cho khô nhà. Nhưng đây lại là một suy nghĩ sai lầm không khiến nhà cửa của chúng ta khô hơn mà ngược lại càng khiến cho nồm càng “hoành hành”. Bởi lẽ, không khí ngoài trời lúc này đang mang độ ẩm lớn, việc mở cửa nhà sẽ khiến cho gió thổi nhiều không khí ẩm vào nhà bạn mà thôi!
Sử dụng máy hút ẩm và các vật liệu hút ẩm khi trời nồm
Nếu gia đình bạn có điều kiện một chút hãy đầu tư một chiếc máy hút ẩm. Nó sẽ giúp cho ngôi nhà luôn khô ráo và thông thoáng trong những ngày nồm.
Ngoài ra, bạn có thể mua những vật liệu hút ẩm khá phổ biến trên thị trường hiện nay như: than, báo cũ, hạt hút ẩm, vôi,... Với hạt hút ẩm,chỉ cần để một chút ở góc nhà, góc tủ quần áo, bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt đó! Với một không gian phòng lớn hơn, vôi sống và than là sự lựa chọn phù hợp. Để một chậu than hay vôi sống ở góc tường, gầm bàn, gầm ghế, khi thời tiết nồm ẩm, chỉ cần mở nắp chậu ra, than và vôi sống sẽ hút ẩm đáng kể.
Dùng giẻ khô để lau nền nhà, tường nhà và các đồ dùng khác
Khi nền nhà hay các bề mặt đồ dùng của bạn đã quá ướt, hãy dùng giẻ lau khô để lau nếu dùng giẻ ướt, tình trạng đọng nước sẽ càng trầm trọng hơn đó.
Bật điều hòa chế độ khô khi trời nồm
Nếu gia đình có điều hòa hai chiều, bạn hãy bật lên và để chế độ khô. Điều hòa sẽ vừa giúp lọc không khí, vừa hút ẩm, đảm bảo sức khỏe cho gia đình đặc biệt là người già và các bạn nhỏ.
Sử dụng máy sấy quần áo khi trời nồm
Quần áo phơi lúc trời nồm rất lâu khô và khi khô còn có mùi khó chịu. Vì vậy bạn có thể sử dụng máy sấy quần áo kết hợp cùng các loại nước xả vải, vừa giúp quần áo khô nhanh lại có mùi thơm dễ chịu theo đúng sở thích của mình.
Khử khuẩn đồ dùng khi trời nồm
Như đã biết, trời nồm là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Do đó, hãy chăm chỉ khử khuẩn cho đồ dùng trong nhà đặc biệt là bát, đũa,... Khi rửa xong, các bạn có thể tráng qua với nước nóng rồi phơi khô hoặc sử dụng máy sấy bát đũa để đảm bảo vệ sinh cho các đồ dùng của gia đình.
Sử dụng đèn xông tinh dầu khi trời nồm
Đèn xông tinh dầu sẽ giúp không gian sống của ta có mùi dễ chịu hơn. Mùi tinh dầu mà mình yêu thích sẽ giúp cho mình cảm thấy thoải mái, không khó chịu bởi mùi ẩm mốc lúc trời nồm.
Có thể nói, thời tiết nồm gây ra cho chúng ra rất nhiều khó chịu nhưng cũng có rất nhiều biện pháp để ứng phó và đối diện với những ảnh hưởng của nó. Hy vọng qua bài viết này, Thời tiết số sẽ giúp bạn sẽ hiểu hơn về hiện tượng nồm ẩm và chọn ra được biện pháp ứng phó nồm phù hợp nhé!