Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt - Chốn thanh tịnh tựa chốn bồng lai

Mục lục

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt - một ngôi chùa ngự trên núi Phụng Hoàng, nằm trên đường Trúc Lâm Yên Tử thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có bề dày lịch sử văn hóa, tín ngưỡng lâu đời

Đà Lạt được nhiều du khách biết đến không chỉ bởi những địa điểm đẹp như thơ, bởi những món ăn ngon, ăn một lần là nhớ. Người ta yêu mến Đà Lạt con bởi giữa những ồn ào, tấp nập của cuộc sống, vẫn có một nơi thanh tịnh tựa chốn bồng lai để tìm về, tĩnh tâm và quên đi mọi phiền muộn. Nơi đó không đâu khác chính là Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Hãy cùng tìm hiểu xem những điểm đặc biệt gì đã tạo nên nét riêng cho Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt qua bài viết sau đây nhé!

Đôi nét về Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là một ngôi chùa có bề dày lịch sử văn hóa, tín ngưỡng lâu đời. Đã từ lâu, đây không còn đơn thuần là một địa điểm du lịch tâm linh tại Đà Lạt mà đã trở thành nơi tìm về của nhiều  người, giúp họ gột rửa lại tâm hồn, rũ bỏ đi những ưu phiền, căng thẳng, áp lực của cuộc sống. Đến với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, chắc chắn du khách sẽ cảm thấy thật thanh thản, nhẹ nhàng và bình yên. 

Khung cảnh gần gũi với thiên nhiên tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt
Khung cảnh gần gũi với thiên nhiên tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt đảm bảo sẽ để lại ấn tượng mạnh cho những ai yêu kiến trúc và muốn tìm hiểu về kiến trúc. Từ những bậc đá, hàng thông, đến Cổng Tam quan, Chánh điện,... tất cả đều khiến khách tham quan trầm trồ khen ngợi bởi những đường nét vốn giản dị nhưng vô cùng thanh thoát, hài hòa, mang đậm hơi hướng kiến trúc Thiền Tông. 

Vị trí địa lý Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt

Vị trí đắc địa của Thiền viện Trúc Lâm
Vị trí đắc địa của Thiền viện Trúc Lâm

Có một vị trí vô cùng đắc địa, Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt ngự trên núi Phụng Hoàng, nằm trên đường Trúc Lâm Yên Tử, phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chỉ khoảng 7 ki - lô - mét. Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt như một món quà quý được bao bọc bởi rừng thông xanh rì. Chính vì vậy, hàng ngày ta có thể nghe tiếng chim hót líu lo, tiếng gió thổi rì rào rồi hướng tầm mắt ra phía hồ Tuyền Lâm yên ả, nhiêu đó thôi cũng đã đủ giúp con người ta cảm thấy bình yên, thanh tịnh.

Lịch sử hình thành và ý nghĩa Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt 

Lịch sử hình thành

Nhắc đến lịch sử hình thành của Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt người ta thường nhắc đến câu chuyện Ngài Thích Thanh Từ nằm mơ thấy mình đang ôm cổ môt con phụng hoàng. Sau khi suy ngẫm về giấc mơ của mình, ngài quyết định chọn Đà Lạt là nơi để xây dựng Thiền viện bởi thời tiết Đà lạt thuộc vùng khí vùng khí hậu nhiệt đới Xavan, khí hậu mát mẻ, thiên nhiên tươi đẹp, không gian yên lành thích hợp cho các tăng ni tu tập. Ngài cũng chính là người lên ý tưởng thiết kế và quy hoạch cho Thiền viện Trúc Lâm này. 

Với ý tưởng sẵn có, Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt nhanh chóng được khởi công và hoàn thiện vào năm 1994 - chỉ sau một năm xây dựng. 

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt đã hoạt động được nhiều năm
Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt đã hoạt động được nhiều năm

Ý nghĩa

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt được xây dựng lên không chỉ để là chốn hành hương, tu tập mà con mang sứ mệnh cao cả, góp phần khôi phục Thiền tông Việt Nam có từ lâu đời. Chính vì thế, ngày nay đây còn là nơi nghiên cứu và thực hành Phật giáo Thiền tông lớn nhất Việt Nam. Mỗi năm có rất nhiều khóa tu được tổ chức để mọi người có thể đến và tìm hiểu Phật pháp, thanh tịnh tâm hồn. 

Nét độc đáo kiến trúc của Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt 
Nét độc đáo kiến trúc của Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt 

Kiến trúc của Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt được chia thành hai phần chính là Nội viện và Ngoại viện với 18 hạng mục khác nhau. Đi từ phía hồ Tuyền Lâm, du khách sẽ đi qua 3 cổng Tam quan để tới Chánh điện chùa. Tam quan có trụ xây bằng đá nhìn rất chắc chắn, bên trên là hai tầng mái với lớp mái men màu vàng. Kiến trúc Chánh điện thì quả thật rất công phu và tỉ mỉ, bên trong rộng rãi, trang nghiêm. Tượng thờ Đức Phật, Bồ Tát được bày trí rất hài hòa, phú hợp. 

Nét kiến trúc độc đáo chỉ riêng Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt mới có là mái Chánh điện được làm đơn giản, phân ba ngấn biểu trưng cho ba cảnh giới trong nhà Phật (Dục giới - Sắc giới - Vô sắc giới); khác với ở miền Bắc là những cụm mây hay ở Huế là hình hoa sen cách điệu. 

Phía sau Chánh điện là Tổ đường trông rất mạnh mẽ và trang nghiêm với bốn cột tròn chia thành ba căn khác nhau. Ngoài sân Tổ đường là tháp chuông và tháp trống. Hai tháp có kiến trúc tương tự nhau với hai tầng mái, xung quanh có lan can, bốn phía khắc phù diêu nhà Thiền. Tất cả vừa tạo nên sự thanh thoát nhưng vẫn có nét trầm hùng cho kiến trúc Thiền viện Trúc Lâm. 

Một vài hoa văn kiến trúc tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt
Một vài hoa văn kiến trúc tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt

Ngoài ra Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt còn bao gồm Tham vấn đường, Nhà khách, Thư viện, Nhà trưng bày và Nhà khách nữ vãng lai,... để phục vụ cho việc sinh hoạt, học tập hay tổ chức khóa tu cho các du khách, Phật tử ghé thăm. Kiến trúc nơi đây quả thật mang đậm chất thuần Việt, tôn nghiêm, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Nên đến Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt vào thời điểm nào trong năm?

Người ta hay bông đùa nhau thời tiết Đà Lạt giống như con gái, thay đổi nhanh chóng trong ngày. Một ngày ở Đà Lạt, ta có thể cảm nhận được khí hậu của cả 4 mùa xuân hạ thu đông. Tuy nhiên, vào mỗi mùa Đà Lạt đều đem lại những cảm nhận riêng cho du khách.

Thiện viện trúc lâm Đà Lạt luôn là điểm đến lý tưởng cho cả 4 mùa
Thiện viện trúc lâm Đà Lạt luôn là điểm đến lý tưởng cho cả 4 mùa 

Vào mùa xuân, Đà Lạt ấm dần, nhiệt độ trung bình không quá 20 độ C, trời cũng ít mưa nên du khách có thể thoải mái tham quan, ngắm cảnh Vào mùa hè, thời tiết Đà Lạt không nóng bức khó chịu như những địa điểm tham quan khác, tiết trời luôn ôn hòa nên đây là thời điểm thích hợp để du khách đến đây tránh nóng. Mùa thu ở Đà Lạt sẽ lạnh hơn và có nhiều mưa, du khách nên cân nhắc khi đến Đà Lạt vào thời điểm này nhé. Thời tiết Đà Lạt sẽ trở nên vô cùng lạnh khi bước vào mùa đông, chính vì vậy nếu đến Đà Lạt vào thời điểm này, mọi người nhớ chuẩn bị thật nhiều quần áo ấm nhé!

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt luôn sẵn sàng mở cửa chào đón tất cả du khách. Cũng giống như Đà Lạt, Thiền viện Trúc Lâm mỗi mùa đều mang vẻ đẹp riêng. Tùy theo sở thích cá nhân của mỗi người, mọi người có thể lựa chọn thời điểm tham quan phù hợp. Chẳng hạn như, từ tháng 1 đến tháng 4 là mùa xuân, thời tiết dễ chịu, du khách có thể kết hợp đi Chùa và ngắm hoa mai anh đào nở rộ tuy nhiên thời điểm này sẽ đông Phật tử đến Thiền viện hơn. Mùa hạ sẽ là lúc Thiền viện tổ chức nhiều khoa tu nên du khách cũng có thể cân nhắc đến tham gia và trải nghiệm. Cuối thu đầu đông có lẽ sẽ là thời điểm Thiền viện yên tĩnh nhất, nên ai yêu thích bình yên có thể sắp xếp công việc để đến thăm thiền viện vào thời điểm này.

Cách di chuyển đến Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt 

Để di chuyển đến Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt có rất nhiều phương tiện khác nhau như: ô tô, taxi, xe máy,... Từ trung tâm thành phố, du khách chỉ cần đi về hướng Tây Nam lên đường Hùng Vương về phía Trần Hưng Đạo; sau đó rẽ trái vào đường Ba Tháng Tư; đi bên phải để đi tiếp; rẽ trái tại Robin Hill Cafe rồi rẽ phải tại Thiền Viện Trúc Lâm Phụng Hoàng. Trên đường đi, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên Đà Lạt vô cùng xinh đẹp và tươi mát. 

Di chuyển bằng cáp treo đến Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt
Di chuyển bằng cáp treo đến Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt

Ngoài ra, du khách cũng có thể trải nghiệm đi cáp treo từ đồi Rô - bin. Đây chắc chắn sẽ là trải nghiệm tuyệt vời có một không hai để có thể ngắm nhìn Đà Lạt từ trên cao. 

Có thể thấy, Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt là một nơi rất đáng đến và trải nghiệm. Đặc biệt vào các dịp Lễ, Tết thì đây là một địa điểm lý tưởng để du khách có thể tham quan và cầu tài cầu lộc. Với lợi thế về địa hình, khí hậu, nơi đây quả thật là điểm đến tâm linh số 1 Đà Lạt. Hãy một lần đặt chân đến đây để có những cảm nhận chân thực nhất nhé!