TP. HCM lên kế hoạch phòng, chống hạn hán mùa khô 2024

Mục lục

Mới đây, Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã ban hành phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô 2024.

UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, phương án nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các phương án thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, hạn chế thiệt hại vì hạn hán, xâm nhập mặn cao điểm mùa khô 2024. Phương án cũng nhằm bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024 trên địa bàn TP HCM.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các ngành chức năng tổ chức kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, chủ động thực hiện sớm việc nạo vét, các biện pháp tăng cường tích trữ nước trong ao, hồ, sông, kênh, rạch. Xây dựng kế hoạch cấp nước, cân đối khả năng cung cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Song song đó, chủ động phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam xác định lịch xả nước của hồ Dầu Tiếng để chủ động thông báo đến các địa phương lấy nước, trữ nước bảo  đảm phục vụ dân sinh, dịch vụ, công nghiệp và cho sản xuất nông nghiệp.

Đối với giải pháp về trồng trọt, Thành phố đề nghị thực hiện bố trí cơ cấu mùa, vụ gieo trồng phù hợp, ưu tiên sử dụng giống cây có thể chịu hạn, chịu mặn, hiệu quả kinh tế cao. Tập trung xuống giống đồng loạt, đúng thời vụ, tăng cường áp dụng các phương pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc với các loại cây trồng tại vùng nguy cơ nhiễm mặn cao.

Về giải pháp thủy lợi, tổ chức quan trắc, giám sát tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để kịp thời hướng dẫn người dân trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước, công trình thủy lợi; tăng cường nạo vét, gia cố, sửa chữa hệ thống kênh tưới, đặc biệt là hoàn chỉnh hệ thống kênh mương nội đồng tại các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán để bảo đảm đủ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phòng chống cháy rừng.

Để thực hiện phương án, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các phương pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phải mang tính đồng bộ, bài bản, có trọng điểm, ưu tiên theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện, tình hình sản xuất của từng khu vực trên địa bàn thành phố.
Để thực hiện phương án, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các phương pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phải mang tính đồng bộ, bài bản, có trọng điểm, ưu tiên theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện, tình hình sản xuất của từng khu vực trên địa bàn thành phố.

Với giải pháp về lâm nghiệp, rà soát lại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng và cây phân tán cao với quy mô đám cháy lớn để xây dựng các phương án PCCC theo diễn biến thời tiết và thực tiễn khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy lớn. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, tuần tra các khu rừng trong phạm vi quản lý, chủ động chuẩn bị các phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ máy bơm cấp nước phòng, chống hạn khi cần, đặc biệt phục vụ phòng chống cháy rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất và vùng có cây lâm nghiệp phân tán ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Với giải pháp về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, thông tin rộng rãi, kịp thời về tình hình thời tiết, mức độ xâm nhập mặn, khuyến cáo người dân nuôi trồng thủy sản áp dụng mô hình phù hợp, chủ động chuyển đổi cơ cấu con giống hợp lý, thả giống mật độ phù hợp và có phương pháp chăm sóc để hạn chế nhỏ nhất những thiệt hại vì  thiếu nước, xâm nhập mặn. Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức và người dân các biện pháp cải tạo ao nuôi, xây chuồng trại phù hợp với tình hình. Từng bước áp dụng kỹ thuật, quy trình nuôi an toàn sinh học.

Cũng theo UBND TP, phương án cần huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban ngành Thành phố, UBND Thành phố Thủ Đức và các quận - huyện, các đơn vị liên quan trong công tác thực hiện các phương án thủy lợi phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024. Đồng thời, UBND Thành phố cũng yêu cầu cần phải tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác vận hành công trình hồ chứa thượng nguồn Thành phố.

Về quá trình thực hiện, UBND Thành phố đưa ra 5 nội dung, biện pháp thực hiện gồm: Giải pháp chung đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất; Giải pháp về thủy lợi; Giải pháp về trồng trọt; Giải pháp về lâm nghiệp; Giải pháp về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Để phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đạt hiệu quả, UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở ban ngành: Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở TN & MT, Sở GTVT, Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức, Chủ tịch UBND các quận - huyện: Quận 8, 12, Bình Tân, Gò Vấp; huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương lên phương án chi tiết triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 trên địa bàn Thành phố. Kế hoạch gửi về Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để tổng hợp.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động báo về Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để tổng hợp trình UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo.