Khánh Hòa: Chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước

Mục lục

Mới đây, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa có văn bản về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại địa phương.

Theo đó, Uỷ ban tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TX, TP, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa và các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện.

Tổng hợp tình hình, khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp thực hiện để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa trước 19/2.

Khánh Hòa: Chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên & Môi trường chỉ đạo theo dõi sát sao ảnh hưởng của El Nino, diễn biến thời tiết, nhằm kịp thời cung cấp thông tin về tình hình thủy văn trên cả nước.

Trước đó, ngày 15/01, Thủ tướng đã có Công điện hỏa tốc tới các bộ, ngành, địa phương, nêu rõ nguy cơ xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm mùa khô năm 2023 - 2024.

Công điện nêu rõ, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của El Nino, thời tiết, thiên tai ngày càng bất thường. Hiện nay, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang có xu thế tăng theo kỳ triều cường. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, mùa khô 2023-2024, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương với năm 2020-2021, trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 tới tháng 4/2024) có thể xảy ra thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông.

Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trong mùa khô. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chủ động ứng phó, trong đó yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương ĐBSCL, miền Trung và Tây Nguyên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn.

Song song với đó, xác định mức ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Các Bộ, ngành khác theo chức năng được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo đời sống người dân.