Mục lục
Lễ hội Lồng Tồng của người Tày không chỉ mang giá trị về bản sắc dân tộc mà còn có ý nghĩa về du lịch khi thu hút sự tham gia, quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước. Đây là một lễ hội truyền thống, thể hiện những niềm tin, giá trị tinh thần và khát vọng, ước ao của người Tày. Hãy cùng Thời Tiết Số điểm qua những nét đặc sắc của lễ hội này nhé!
Giới thiệu về lễ hội lễ hội Lồng Tồng
Lễ hội Lồng Tồng là một lễ hội truyền thống rất quan trọng của đồng bào người Tày, còn được gọi là Lễ Xuống Đồng. Lồng Tồng thường được tổ chức vào đầu năm, là hoạt động tín ngưỡng của dân tộc Tày, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, đời sống ấm no.
Lễ hội Lồng Tồng là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, thể hiện khát vọng về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Chính lễ hội truyền thống này đã góp phần làm gia tăng thêm giá trị cho đời sống tinh thần của đồng bào Tày, đồng thời thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.
Thời gian & địa điểm tổ chức lễ hội Lồng Tồng
Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức thường niên vào hàng năm, từ những ngày đầu tháng giêng kéo dài đến tháng hai âm lịch. Vì đây là lễ hội truyền thống của người Tày, do đó, Lồng Tồng thường được diễn ra tại các bản làng của người Tày ở vùng núi phía Bắc, như: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai,.. Lễ sẽ được điều hành bởi các già làng, trưởng bản cùng với sự tham dự của tất cả các thành viên trong bản, làng.
Các hoạt động trong lễ hội Lồng Tồng
Chuẩn bị lễ hội
Trước lễ hội, các gia đình trong bản sẽ phải quét dọn nhà cửa, xóm làng tinh tươm, sạch sẽ. Họ cũng sẽ phải chuẩn bị đầy đủ lương thực để đón khách. Vào ngày tổ chức lễ, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng, với hàm ý thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món truyền thống. Trên mỗi mâm bắt buộc phải có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều màu sắc, hai đôi quả được làm bằng vải màu, bên trong nhồi cát hoặc bông, có tua rua nhiều màu sắc sặc sỡ.
Phần Lễ
Phần lễ được bắt đầu khi chiêng trống nổi lên. Các bô lão và tráng đinh sẽ rước Thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng, còn các gia đình sẽ rước cỗ bày ra trên bãi hội. Tiếp đến, người chủ trì lễ hội sẽ xướng lên bài mo cúng chư thần, sau đó tuyên bố phá cỗ.
Những gia đình có mâm cỗ thịnh soạn và mời được nhiều khách đến thưởng thức cỗ nhà mình sẽ được xem là điềm may mắn cho cả năm. Có những nơi, các vị bô lão được mời đi thưởng cỗ, thanh niên nam nữ đi theo múa hát, chúc cho từng gia đình vạn sự bình an, tốt lành.
Phần hội
Sau khi phần lễ kết thúc, phần hội với nhiều trò chơi dân gian, hoạt động diễn xương sẽ diễn ra. Mở đầu là hội Tung Còn, đây là hoạt động hấp dẫn và thu hút nhiều người tham gia nhất. Để bắt đầu, ở giữa đám ruộng lớn, một cây mai cao 20-30cm được dựng lên để làm cột. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn với đường kính 50-60cm dán giấy hai bên, in chữ Nhật - Nguyệt. Mọi người sẽ cố gắng tung còn trúng vòng tròn làm rách giấy, đấy được cho là dấu hiệu may mắn cho cả năm.
Ngoài Tung Còn, phần hội còn được diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn khác như thi cấy lúa trên mảnh ruộng nước đã được bừa ngầu từ hôm trước, kéo co, đấu gậy, chọi chim, bắn nỏ, cờ thường, đánh đáo, đánh yến, đánh khăng, đi cà kheo,... Các trò chơi diễn ra trong phần hội thu hút sự tham gia của rất nhiều người tham dự.
Vừa rồi, Thời Tiết Số đã giới thiệu đến bạn những điểm nổi bật của lễ hội Lồng Tồng của người Tày. Đây là một lễ hội truyền thống, mang ý nghĩa quan trọng với đồng bào Tày, có phần lễ nghiêm trang và phần hội thú vị, hấp dẫn. Nếu có dịp đến với Tây Bắc, hãy thử một lần trải nghiệm lễ hội đặc biệt này bạn nhé!